Để có chuyến đi xa việc đảm bảo tay không bị tê mỏi, vai không bị căng cứng thì việc điều chỉnh ghi đông, lắp thêm phụ kiện cho tay năm là điều hết sức cần thiết.Những chia sẻ dưới đây , hi vọng sẽ giúp bạn có thể trang bị tốt hơn cho chiếc xe và có được một chuyến đi hoàn hảo.
1.Phụ kiện lắp thêm
Một chiếc xe đạp MTB mới mua thường thiếu một vài thứ (theo nhu cầu từng người), những thứ lắp trên xe thì ở mức độ tối thiểu. Có một điều nghịch lý là xe càng đắt tiền thì càng không có gì, những chiếc xe đắt tiền nhất thì còn không có cả pê-đan (thế thì đạp bằng gì ?), và cứ sờ đến món nào là tính tiền món đó. Một số bạn khác thì lại tháo bớt những thứ sẵn có trên xe ra (sợ nặng, và để cho giống cua-rơ chuyên nghiệp).
Vậy vấn đề đặt ra là thực sự bạn sẽ cần những gì ? Chi phí bao nhiêu ? Thông thường những thứ bạn mua thêm bằng khoảng 10% giá trị chiếc xe (không kể những đồ bạn khoác vào người như quần áo giày mũ găng tay ba-lô). Với tiêu chí rẻ, tôi thường chọn những thứ rẻ tiền hơn trong số các lựa chọn.
2.Tay nắm – ghi-đông
Tay nắm xe loại nguyên bản của nhà sản xuất thường là rất đơn giản, chỉ là một ống cao su có tác dụng chống trơn trượt. Tuy nhiên với tư thế điều khiển xe MTB là một phần trọng lượng dồn xuống đôi tay, thì chỉ sau vài ki-lô-mét bạn đã bắt đầu thấy ê ẩm ở cổ tay, và cảm giác tê thiếu máu. Không như loại ghi đông cong của xe cuốc có nhiều vị trí để thay đổi, ghi đông xe MTB chỉ cho bạn mỗi một tư thế ngang duy nhất.
Với những người thường di chuyển đường trường nhiều kinh nghiệm, họ sẽ lắp thêm một số phụ kiện vào ghi-đông xe để có thêm nhiều vị trí nghỉ tay. Đối với người dùng xe đạp a-ma-tơ như tôi thì chỉ cần thay một đôi tay nắm phù hợp và điều chỉnh độ rộng 2 bên tay nắm cho vừa với cơ thể.
Một đôi tay nắm loại có phần đỡ lòng bàn tay, có tác dụng chống mỏi tay, thông thường có giá 100k-300k, với chất liệu nhựa hoặc cao-su. Một số loại thì có luôn cả phần bảo vệ tay (sừng trâu) trông rất hầm hố, và có thêm tác dụng thay đổi vị trí tay cầm. Với loại xe có bộ chuyển số dạng tay vặn thì hơi khó kiếm đôi tay nắm vừa ý.
Khi thay tay nắm thì đoạn vất vả nhất lại là việc tháo tay nắm cũ ra. Vì làm bằng cao-su nên thường bám rất chắc vào ghi-đông, nhiều người phải dùng cách ngâm nước nóng, thổi hơi nóng, dùng áp lực từ máy nén khí, thậm chí bực quá dùng dao. Các bạn nên dùng đôi găng tay bảo hộ loại bằng len để bảo vệ tay.
Lắp tay nắm vào thì thông thường phải dùng đến vít lục giác, vì tay nắm mới thường siết bằng vòng kim loại. Các bạn có thể phải điều chỉnh sau một vài ki-lô-mét để tìm góc thích hợp nhất.
Một điểm khá quan trọng tôi thấy nhiều người thường bỏ quá, đó là độ rộng của ghi-đông/tay nắm. Vị trí tay nắm quá rộng hoặc quá hẹp đều dẫn đến mỏi vai/ cổ tay và ảnh hưởng đến lồng ngực. Theo tiêu chuẩn thông thường thì: – Chiều rộng ghi-đông hơn chiều rộng của vai khoảng 10-15cm (tùy thuộc bạn có lắp thêm thiết bị sừng trâu hay không) – Vị trí tay nắm được lắp sao cho khoảng cách giữa 2 bàn tay khi cầm tay nắm rộng bằng nách của bạn.
Các xe MTB thông thường ở Việt Nam thường có ghi-đông rộng 60-62cm, đối với các bạn nam >1.7m thì bình thường, nhưng với các bạn nữ thì có vẻ hơi rộng. Theo tôi với bạn nữ có chiều cao khoảng trên 1.6m thì ghi-đông rộng 56-58cm là vừa.
Tuy nhiên để có được vị trí tay nắm phù hợp thoải mái nhất thì không gì bằng thực nghiệm, bạn hãy điều khiển qua khoảng 10km với các địa hình khác nhau để tìm ra vị trí thoải mái nhất cho mình.
Một chiếc ghi-đông dài quá có thể phải cắt bớt. Các bạn dùng thước và bút dạ đánh dấu 2 đầu cần cắt cho đều. Khi thi công nhớ đeo găng và kính bảo hộ.
Bạn đang muốn tân trang hoặc nâng cấp cho chiếc xe đạp thể thao của mình nhưng còn rất nhiều điều băn khoăn chưa biết lựa chọn loại tay lái phù hợp. Bạn có thể tham khảo thêm những tư vấn kỹ thuật xe đạp từ các chuyên gia hay các cửa hàng xe đạp để có thể lựa chọn trang bị phụ kiện thích hợp.
>>Tham khảo thêm hướng dẫn bảo trì xe đạp thể thao trước và sau chuyến đi tại đây