Tìm hiểu các thông số của giảm xóc sau xe đạp

Xe đạp MTB là chiếc xe được nhiều người yêu thích hiện nay đặc biệt là giới trẻ . Với một newbie chập chững bước vào thế giới chơi MTB chắc chắn mang trong mình rất nhiều băn khoăn và lạ lẫm khi bắt tay vào chọn mua xe đạp địa hình và phải mất rất nhiều công sức tham khảo và tìm hiểu . .Khác với những chiếc xe đạp thông thường , MTB 2 phuộc bao gồm 1 phuộc trước cùng với giảm xóc phía sau xe đạp có cấu tạo phức tạp hơn rất nhiều .

Rất nhiều người có thể biết được tới những khái niệm cũng như thông số của phuộc trước nhưng họ lại bị bối rối bởi phuộc phía sau . Chính vì thế mà với những chia sẻ sau đây , Xe Đạp Thế Giới mong rằng sẽ giúp các bạn nắm rõ được những thông số một cách chi tiết hơn để giúp cho việc lựa chọn xe thêm chính xác cũng như nắm được thông số phuộc xe địa hình cơ bản cần thiết trong quá trình thay thế cũng như quá trình bảo trì giảm xóc.

1.Cấu tạo của giảm sóc xe đạp phía sau

Tìm hiểu các thông số của giảm xóc sau xe đạp
Cấu tạo của giảm xóc lò xo Fox

Trong bài viết này , chúng ta sẽ đi tìm hiểu vào sâu cấu tạo của giảm xóc Coil Spring (dùng lò xo) đây là loại giảm xóc phổ biến được sử dụng rất nhiều . Ngoài ra còn có giảm xóc Air Spring (dùng bơm hơi) , nhìn chung các thông số của 2 loại giảm xóc này không có sự khác biệt lớn , các thông số hoàn toàn giống nhau . Để có thể hiểu rõ hơn về các thông số , trước tiên chúng ta nên đi tìm hiểu về cấu tạo chi tiết của một chiếc giảm xóc lò xo thông qua hình dưới đây .

Đây là giảm xóc sau DHX của Fox đã được tháo rời phần lò xo , cùng xem qua chi tiết nhé:

A,G: Ống chỉ trục: dùng cố định trục để gắn với sườn của xe, ống chỉ trục này sẽ xoay nhẹ trong quá trình vận hành.

B,F: Là tâm của ống chỉ trục: dùng để gắn kết giảm xóc với sườn thông qua một con ốc.

C: Vòng nén lò xo (preload ring): Dùng để siết, nén lò xo để tăng hoặc giảm độ đàn hồi của lò xo khi gắn vào giảm xóc.

D: Vòng cao su định tuyến: Khi giảm xóc hoạt động, vòng cao su này sẽ chuyển động đến độ nén cao nhất mà lực tác động vào, từ đó giúp bạn biết được giảm xóc của bạn đã nén bao nhiêu để điều chỉnh thông số thích hợp.

E: Shaft, hay còn gọi là ti giảm xóc, ti phuộc, hoạt động như trục xi lanh khi giảm xóc vận hành.

Hầu hết các giảm xóc sau đều có vòng bánh hoặc nút điều chỉnh Damper (Rebound) để tăng hoặc giảm tốc độ nhún, bạn có thể điều chỉnh rebound cho giảm xóc trả về nhanh hoặc chậm tùy vào địa hình.

2.Các thông số của giảm xóc sau xe đạp

Tìm hiểu các thông số của giảm xóc sau -2
Các thông số trên giảm xóc Fox

A: Chiều dài của 2 đầu giảm xóc tính từ tâm của trục ống chỉ.

B: Stroke: Hành trình tối đa mà giảm xóc có thể nén.

Ví dụ, một giảm xóc có ghi thông số theo hệ inch 9.5″ x 3″ hoặc hệ metric 241.3 x 76.2.

  • Chỉ số đầu là chiều dài A của giảm xóc (9.5″ hoặc 241.3 mm)
  • Chỉ số sau là chiều dài B của giảm xóc (3″ hoặc 76.2 mm)

3.Hướng dẫn đọc các thông số của lò xo

coil_spring

Trong hình là ví dụ 1 lò xo của FOX với thông số (500 x 2.80) và Manitou (600 x 3.0). Chỉ số đầu chính là độ cứng của lò xo, được đo bằng đơn vị pound (lbs). Nếu bạn là người có trọng lượng nặng, bạn có thể cần đến lò xo có độ cứng khoảng 500 lbs trở lên. Hoặc nếu bạn là người có trọng lượng trung bình, bạn có thể chọn từ 400 – 500 lbs.

Ngoài ra, độ cứng của lò xo còn phụ thuộc vào địa hình mà bạn thường sử dụng, ví dụ nếu bạn thường xuyên bay nhảy hoặc drop ở các pump lớn, lò xo phải chịu tác động lực lớn, bạn nên dùng lò xo có độ cứng cao, và ngược lại, bạn có thể chọn lò xo mềm hơn để di chuyển mượt và êm hơn trên các đoạn đường gồ ghề nhẹ.

Chỉ số thứ 2 là chiều dài độ nén tối đa của lò xo được tính bằng đơn vị inch, được tính bằng khoảng cách lúc chưa nén và lúc nén. Thông số nhỏ đồng nghĩa với độ nén thấp và ngược lại.

Chỉ số này phải bằng hoặc lớn hơn chiều dài Stroke (B) của giảm xóc, nếu thấp hơn, nó có thể sẽ gây ra hỏng hóc giảm xóc trong quá trình vận hành.

Hy vọng thông tin trên giúp bạn hiểu được phần nào cấu tạo và các thông số của giảm xóc sau xe đạp , các thông số này cũng tương tự cho giảm xóc dùng hơi (Air), chỉ khác ở chỗ Air không dùng lò xo nén. Nắm chắc cấu tạo cơ bản cùng với đọc hiểu thông thạo những thông số giúp cho bạn có thể tự mình lựa chọn phuộc nhún và bảo dưỡng xe đạp địa hình một cách đơn giản mà không cần phải nhờ tới thợ kỹ thuật sửa chữa, cũng như tiết kiệm chi phí rất đáng kể.

Nếu như còn điều gì băn khoăn , bạn nên tham khảo kỹ những tư vấn kỹ thuật xe đạp địa hình hữu ích để có thể chơi MTB và có những trải nghiệm tuyệt vời hơn.

Nguồn : Pax Đại – Diễn Đàn Vietriders.vn và tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *